
Từ hình trên bạn có thể thấy có những khu vực mà giá thường di chuyển tới. Điểm thấp nhất mà nó đi tới và bật trở lại được gọi là hỗ trợ, điểm cao nhất mà nó đi tới và bật trở lại được gọi là kháng cự. Nếu giá đi xuống khu vực hỗ trợ và không thể phá vỡ, thì đây là khu vực hỗ trợ có hiệu lực. Để có một khu vực hỗ trợ và kháng cự có hiệu lực, bạn cần có các thanh giá tại hoặc cùng mức giá ít nhất hai lần.
Hỗ trợ và kháng cự không phải là những con số chính xác – chúng có thể bị phá vỡ, khi thị trường thử thách mức giá này. Nếu bạn sử dụng biểu đồ nến, bạn có thể tìm thấy các mức hỗ trợ và kháng cự hình thành bởi các bấc nến.
Ở đây bạn cần lưu ý rằng các bấc nến có thể thử thách cả các mức hỗ trợ và kháng cự, và có những lúc các bấc sẽ phá vỡ các mức này, tuy nhiên lại đóng ở trên mức hỗ trợ hoặc dưới mức kháng cự. Sẽ có đôi lúc khi giá phá vỡ mức kháng cự và hỗ trợ, nhưng rồi lại quay trở lại. Trong biểu đồ trên, chúng ta thấy giá phá vỡ trên mức kháng cự và đóng ở trên mức này. Sau đó giá đảo chiều và quay đầu giảm. Nếu bạn đặt lệnh mua căn cứ vào việc phá vỡ mức kháng cự này, giao dịch của bạn có thể sẽ bị thua lỗ. Diễn biến giá này được gọi là phá vỡ giả và chúng thường xuyên xảy ra. Bạn cần nhìn nhận các mức hỗ trợ và kháng cự dưới dạng vùng.
Để giúp bạn vẽ các vùng hỗ trợ và kháng cự, tốt nhất là bạn vẽ trên biểu đồ đường. Để vẽ các vùng trên một biểu đồ đường, bạn cần nhận diện các vùng có một số đỉnh hoặc đáy.

Đường xu hướng
Có ba loại đường xu hướng khác nhau - xu hướng tăng, xu hướng giảm, và xu hướng đi ngang (còn được gọi là củng cố). Nói chung, đường xu hướng càng dốc thì càng kém tin cậy, và càng dễ bị phá vỡ. Đường xu hướng càng có nhiều lần bị giá chạm vào thì càng có giá trị. Biểu đồ dưới đây biểu thị một xu hướng đang tăng vì có rất nhiều điểm tiếp xúc trên đường xu hướng này. Đường xu hướng này cũng bị phá vỡ do giá dao động, nhưng xu hướng tăng vẫn là chủ đạo vì giá vẫn tiếp tục tăng lên.
Kênh
Một kênh hình thành khi có các diễn biến giá di chuyển giữa hai đường song song. Đường phía trên được coi là kháng cự và đường phía dưới được coi là hỗ trợ. Để vẽ một kênh, bạn chỉ cần vẽ một đường xu hướng bình thường rồi nhân đôi đường đó và đặt vào phía đối diện của diễn biến giá.
Để vẽ một kênh xu hướng tăng giá, chỉ cần vẽ một đường xu hướng bằng cách nối ít nhất hai đáy và kéo dài đường ra. Nhân đôi đường này và đặt vào phía trên của giá, cùng phía với các đỉnh.
Để vẽ một kênh xu hướng giảm giá, chỉ cần vẽ một đường xu hướng bằng cách nối ít nhất hai đỉnh và kéo dài đường ra. Nhân đôi đường này và đặt vào phía dưới của giá, cùng phía với các đáy. Các hình dưới đây biểu thị các kênh tăng giá và kênh giảm giá.

Khi xây dựng một kênh xu hướng, hai đường phải song song với nhau. Trong một kênh xu hướng tăng giá đường hỗ trợ được coi là khu vực mua, trong khi phần đỉnh của kênh được coi là khu vực bán.